Truyền thuyết về Cuội trong dân gian Việt Nam[sửa | sửa mã nguồn]
Ngày xưa ở một miền nọ có một người tiều phu tên là Cuội. Một hôm, như lệ thường, Cuội vác rìu vào rừng sâu tìm cây mà chặt. Khi đến gần một con suối nhỏ, Cuội bỗng giật mình trông thấy một cái hang cọp. Nhìn trước nhìn sau anh chỉ thấy có bốn con cọp con đang vờn nhau. Cuội liền xông đến vung rìu bổ cho mỗi con một nhát lăn quay trên mặt đất. Nhưng vừa lúc đó, cọp mẹ cũng về tới nơi. Nghe tiếng gầm kinh hồn ở sau lưng, Cuội chỉ kịp quẳng rìu leo thoắt lên ngọn một cây cao. Từ trên nhìn xuống, Cuội thấy cọp mẹ lồng lộn trước đàn con đã chết. Nhưng chỉ một lát, cọp mẹ lẳng lặng đi đến một gốc cây gần chỗ Cuội ẩn, đớp lấy một ít lá rồi trở về nhai và mớm cho con. Chưa đầy ăn giập miếng trầu, bốn con cọp con đã vẫy đuôi sống lại, khiến cho Cuội vô cùng sửng sốt. Chờ cho cọp mẹ tha con đi nơi khác, Cuội mới lần xuống tìm đến cây lạ kia đào gốc vác về.
Dọc đường gặp một ông lão ăn mày nằm chết vật trên bãi cỏ, Cuội liền đặt gánh xuống, không ngần ngại, bứt ngay mấy lá nhai và mớm cho ông già! Mầu nhiệm làm sao, mớm vừa xong, ông lão đã mở mắt ngồi dậy. Thấy có cây lạ, ông lão liền hỏi chuyện. Cuội thực tình kể lại đầu đuôi. Nghe xong ông lão kêu lên:
- – Trời ơi! Cây này chính là cây có phép “cải tử hoàn sinh” đây. Thật là trời cho con để cứu giúp thiên hạ. Con hãy chăm sóc cho cây nhưng nhớ đừng tưới bằng nước bẩn mà cây bay lên trời đó!
Nói rồi ông lão chống gậy đi. Còn Cuội thì gánh cây về nhà trồng ở góc vườn phía đông, luôn luôn nhớ lời ông lão dặn, ngày nào cũng tưới bằng nước giếng trong.
Từ ngày có cây thuốc quý, Cuội cứu sống được rất nhiều người. Hễ nghe nói có ai nhắm mắt tắt hơi là Cuội vui lòng mang lá cây đến tận nơi cứu chữa. Tiếng đồn Cuội có phép lạ lan đi khắp nơi.
Một hôm, Cuội lội qua sông gặp xác một con chó chết trôi. Cuội vớt lên rồi giở lá trong mình ra cứu chữa cho chó sống lại. Con chó quấn quýt theo Cuội, tỏ lòng biết ơn. Từ đấy, Cuội có thêm một con vật tinh khôn làm bạn.
Một lần khác, có lão nhà giàu ở làng bên hớt hải chạy đến tìm Cuội, vật nài xin Cuội cứu cho con gái mình vừa sẩy chân chết đuối. Cuội vui lòng theo về nhà, lấy lá chữa cho. Chỉ một lát sau, mặt cô gái đang tái nhợt bỗng hồng hào hẳn lên, rồi sống lại. Thấy Cuội là người cứu sống mình, cô gái xin làm vợ chàng. Lão nhà giàu cũng vui lòng gả con cho Cuội.
Vợ chồng Cuội sống với nhau thuận hòa, êm ấm thì thốt nhiên một hôm, trong khi Cuội đi vắng, có bọn giặc đi qua nhà Cuội. Biết Cuội có phép cải tử hoàn sinh, chúng quyết tâm chơi ác. Chúng bèn giết vợ Cuội, cố ý moi ruột người đàn bà vứt xuống sông, rồi mới kéo nhau đi. Khi Cuội trở về thì vợ đã chết từ bao giờ, mớm bao nhiêu lá vẫn không công hiệu, vì không có ruột thì làm sao mà sống được.
Thấy chủ khóc thảm thiết, con chó lại gần xin hiến ruột mình thay vào ruột vợ chủ. Cuội chưa từng làm thế bao giờ, nhưng cũng liều mượn ruột chó thay ruột người xem sao. Quả nhiên người vợ sống lại và vẫn trẻ đẹp như xưa. Thương con chó có nghĩa, Cuội bèn nặn thử một bộ ruột bằng đất, rồi đặt vào bụng chó, chó cũng sống lại. Vợ với chồng, người với vật lại càng quấn quýt với nhau hơn xưa.
Nhưng cũng từ đấy, tính nết vợ Cuội tự nhiên thay đổi hẳn. Hễ nói đâu là quên đó, làm cho Cuội lắm lúc bực mình. Ðã không biết mấy lần, chồng dặn vợ: “Có đái thì đái bên Tây, chớ đái bên Ðông, cây dông lên trời!”. Nhưng vợ Cuội hình như lú ruột, lú gan, vừa nghe dặn xong đã quên biến ngay.
Một buổi chiều, chồng còn đi rừng kiếm củi chưa về, vợ ra vườn sau, không còn nhớ lời chồng dặn, cứ nhằm vào gốc cây quý mà đái. Không ngờ chị ta vừa đái xong thì mặt đất chuyển động, cây đảo mạnh, gió thổi ào ào. Cây đa tự nhiên bật gốc, lững thững bay lên trời.
Vừa lúc đó thì Cuội về đến nhà. Thấy thế, Cuội hốt hoảng vứt gánh củi, nhảy bổ đến, toan níu cây lại. Nhưng cây lúc ấy đã rời khỏi mặt đất lên quá đầu người. Cuội chỉ kịp móc rìu vào rễ cây, định lôi cây xuống, nhưng cây vẫn cứ bốc lên, không một sức nào cản nổi. Cuội cũng nhất định không chịu buông, thành thử cây kéo cả Cuội bay vút lên đến cung trăng.
Từ đấy Cuội ở luôn cung trăng với cả cái cây quý của mình. Nhìn lên Mặt Trăng, người ta thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, người ta gọi cái hình ấy là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa….
Có một số dị bản về người giết vợ Cuội có thể là đám trai làng hỏi cưới vợ Cuội thất bại nên sinh hận tìm cách hãm hại. Hoặc là Địa Mẫu, người phụ nữ cai quản Địa Ngục vì Cuội đã làm đảo lộn trật tự sinh tử luân hồi khiến người chết sống lại nên bà tìm cách dạy cho Cuội một bài học.
Truyền thuyết về Ngô Cương Trong thần thoại Trung Hoa[sửa | sửa mã nguồn]
Có người cho rằng truyền thuyết Chú Cuội của Việt Nam bắt nguồn từ nhân vật Ngô Cương trong thần thoại Trung Hoa gắn liền với sự tích Hằng Nga Hậu Nghệ 后羿 Hòuyì , trong thần thoại Trung Hoa, Ngô Cương 吴刚 Wú gāng (thợ đốn củi) là một chàng tiều phu vì ham muốn sự bất tử mà làm các vị thần lưu đày đến cung trăng bắt chàng đốn hạ một cây Quế bất tử trên cung trăng. Tuy nhiên sự khác biệt giữa hai câu chuyện là quá lớn nhưng vẫn giống nhau ở cây thuốc trường sinh bất tử.
Chuyện Hằng Nga Bôn Nguyệt[sửa | sửa mã nguồn]
Xưa kia, Hằng Nga và chồng của mình là Hậu Nghệ đã từng là những vị thần bất tử sống trên thượng giới.
Một ngày kia, mười người con trai của Ngọc Hoàng biến thành mười mặt trời, làm cho mặt đất trở nên nóng bỏng và khô cằn. Thất bại trong việc ra lệnh cho các con mình ngừng phá hủy mặt đất, Ngọc Hoàng triệu Hậu Nghệ đến cứu giúp. Hậu Nghệ, bằng tài bắn cung của mình, đã bắn hạ chín mặt trời, chỉ để lại một người con trai của Ngọc Hoàng làm mặt trời. Ngọc Hoàng rõ ràng là không vui mừng gì với giải pháp của Hậu Nghệ trong việc cứu mặt đất và các sinh linh trên đó: chín con trai của ông đã chết. Như là một sự trừng phạt, Ngọc Hoàng đày Hậu Nghệ và Hằng Nga xuống hạ giới để sống cuộc sống của con người.
Cảm nhận thấy là Hằng Nga rất đau khổ vì bị mất khả năng bất tử, Hậu Nghệ quyết định lên đường đi tìm thuốc trường sinh trong một cuộc hành trình dài và đầy gian khổ, nguy hiểm để hai người có thể trở lại cuộc sống bất tử. Vào cuối cuộc hành trình, Hậu Nghệ đã gặp được Tây Vương Mẫu. Tây Vương Mẫu đồng ý cho Hậu Nghệ một viên thuốc, nhưng dặn rằng mỗi người chỉ cần nửa viên để trở thành bất tử.
Hậu Nghệ mang viên thuốc về nhà và cất nó trong một cái hộp. Hậu Nghệ dặn Hằng Nga không được mở chiếc hộp và sau đó rời khỏi nhà trong một khoảng thời gian. Giống như Pandora trong truyền thuyết Hy Lạp, Hằng Nga trở thành người tò mò, Nàng mở chiếc hộp và nhìn thấy viên thuốc ngay khi Hậu Nghệ quay lại nhà. Sợ rằng Hậu Nghệ có thể nhìn thấy mình đang lục lọi chiếc hộp, nên vô tình Hằng Nga đã nuốt chửng viên thuốc. Ngay lập tức Hằng Nga bay lên trời do thuốc quá mạnh. Mặc dù Hậu Nghệ muốn bắn Hằng Nga để tránh không cho nàng bị lơ lửng trên bầu trời, nhưng chàng không thể nhằm mũi tên vào nàng.
Hằng Nga cứ bay lên mãi cho đến khi hạ xuống được Mặt Trăng. Đây được gọi là truyền thuyết Hằng Nga bôn nguyệt (Hằng Nga Bôn Nguyệt – 嫦娥奔月Cháng’é bēn yuè).
Truyền thuyết ở Việt Nam cũng lưu giữ một vài dị bản về Hằng Nga.
Nguyên Hằng Nga là một cô gái trẻ sống trong cung điện của Ngọc Hoàng trên thiên giới, nơi chỉ có các vị thần tiên bất tử sống. Trong một lần xuống trần gian du ngoạn cùng con gái Ngọc Hoàng là Liễu Hạnh công chúa thì Hằng Nga đã phải lòng một người phàm tên là Nghệ. Được sự chấp thuận của Liễu Hạnh, nên Hằng Nga và Nghệ đã lấy nhau và sống vô cùng hạnh phúc.
Nhưng thời gian trôi qua thì Nghệ ngày càng già đi trong khi Hằng Nga vẫn trẻ mãi. Nghệ rất sợ một ngày nào đó Hằng Nga sẽ chê mình quá già rồi bỏ đi hoặc nếu không thì cái chết cũng sẽ chia lìa hai người nên Nghệ đã nhờ Hằng Nga lên thiên giới đánh cắp viên thuốc trường sinh bất lão cho mình. Vì tình yêu nên nàng đành nghe theo nhưng đã bị Ngọc Hoàng Thượng đế phát hiện.
Ông rất tức giận bèn giết chết Nghệ và đày Hằng Nga ở trên cung trăng mãi mãi.
Trên cung trăng, Hằng Nga kết bạn với một con thỏ ngọc đang chế thuốc trường sinh, cũng đang sống trên cung trăng. Một người bạn khác là người thợ đốn củi Ngô Cương (trong thần thoại Trung Quốc) hay chú Cuội (trong thần thoại Việt Nam). Người thợ đốn củi này trước đó đã làm cho các vị thần bực tức vì cố gắng trở thành bất tử và vì thế đã bị đày tới cung trăng. Ngô Cương chỉ được rời khỏi cung trăng nếu có thể hạ được một cây gỗ mọc ở đó. Vấn đề là mỗi lần chàng chặt cây thì thân cây lại liền ngay lại, điều này làm cho chàng vĩnh viễn phải ở lại cung trăng.
Người chặt cây quế trong cung trăng[sửa | sửa mã nguồn]
Truyện thần thoại, sách "Dậu dương tạp trở" có nói: Trong mặt trăng có cây quế cao 500 trượng. Dưới gốc có một người cầm búa chặt mãi, nhưng chặt xong thì dấu chặt dính liền lại như cũ. Người ấy tên Ngô Cương quê ở Tây Hà, tu tiên có lỗi bị phạt chặt cây.
Kịch thần thoại “Lên cung trăng” của Ngô Tổ Quang cũng có chép: Ngô Cương và Phùng Mông là học trò của Hậu Nghệ. Nghệ sinh ở bờ biển Đông tức nước Hữu Cùng, võ nghệ phi thường, sức có thể nhổ núi lấp sông lại giỏi về kỵ xạ. Hai người học trò cũng đều tài ba xuất chúng. Hậu Nghệ có công bắn 9 mặt trời cứu bá tính khỏi chết trong biển lửa nên được nhân dân kính mến, suy tôn làm hoàng đế. Lên làm vua, Nghệ lại cướp giựt của cải của nhân dân. Ngô Cương lại tòng theo thầy làm nhiều điều tàn ác, giết chóc sinh linh vô số. Phùng Mông là người hiền, can thầy can bạn không được, bỏ đi theo dân nghèo chống lại thầy.
Hậu Nghệ bắt Hằng Nga làm hoàng hậu. Sợ nàng trốn, Nghệ giam một nơi và bắt Ngô Cương canh giữ. Một hôm, Nghệ đi săn, Hằng Nga lấy cỏ Linh chi (cỏ trường sinh) của Nghệ uống vào, mình nhẹ bổng nên nàng cùng con Ngọc Thố bay lên cung trăng. Nghệ đi săn về thấy mất Hằng Nga nên tức giận, bóp cổ Ngô Cương cho đến chết. Vong hồn Ngô Cương bay lên cung trăng gặp Hằng Nga, định giết nàng báo thù. Hằng Nga hoảng hốt thì vừa lúc ấy Nguyệt Lão đến, quát to: – Ngày trước nhà ngươi giết hàng triệu sinh linh, ngày nay phải chịu quả báo, thế chưa biết ăn năn hối cải sao? Ngô Cương đáp: – Tôi chết rồi… vì Hằng Nga trốn nên đại vương giết tôi. Tôi chết oan uổng nên hồn không tiêu tan, tôi muốn trả thù. Cụ già mỉm cười: – Nhà ngươi chết như thế phải lắm, còn muốn sống làm sao nữa? – Tôi hết lòng trung vì chúa, đánh đông dẹp bắc, ngày đêm lo việc trị dân. Cụ già gật gù hỏi: – Nhà người có trị được không? Hay càng trị càng rối. – Tại đại vương quá giận giết tôị Nếu không, tôi có cách trị an thiên hạ. – Cách gì? Ngô Cương tỏ vẻ cương quyết: – Giết. Cụ già cười ha hả: – Nhà ngươi giết mấy chục năm rồi mà càng giết càng đông, càng loạn. Đồ khùng! Thân xác đã chết rồi mà hồn chưa tỉnh ngộ. Ngô Cương, có thấy cây quế kia không? Cụ già vừa nói vừa đưa tay trỏ cây quế. Ngô Cương đáp: – Thấy, mà có quan hệ gì tới tôi. – Nhà ngươi chặt cây kia ngã được thì mới có thể giết người để bình thiên hạ được. Cụ già vừa nói xong, đưa tay móc túi lấy ra một cây búa trao cho Ngô Cương. Hắn tiếp lấy búa, đưa thẳng tay lên chặt vào cây quế. Lửa trong cây quế văng ra. Cương buông búa, xuýt xoa kêu: – Cây cứng quá! Cụ già cười xòa: – Phải. Nó còn cứng hơn nhà ngươi. Ngô Cương thẹn thùa, đưa tay nhặt lấy búa đưa thẳng tay chặt lia lịa. Lửa lại bắn ra tứ tung. Mỗi lần giở búa ra thì dấu chặt lại dính liền như cũ. Cụ già bảo: – Thôi, chặt không được đâu. Ngô Cương càu nhàu: – Thây kệ tôi. – Đồ ngu đến chết vẫn không tỉnh. Nhà ngươi không thấy cây quế ấy, mày càng chặt thì cây càng lớn, càng cao, càng đẹp sao? Được. Mặc kệ cho mày chặt. Ta đi đây. Cụ già nói xong biến mất. Ngô Cương vẫn cầm búa chặt mãi… chặt mãi mà cây quế kia không bao giờ đứt, vẫn tươi sống kiếp kiếp đời đời.
Trích nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Trang_Ch%C3%ADnhi. (Bách Khoa Toàn Thư)